Ông Nguyễn Hải Sơn, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Tập đoàn Thành Công, nhà nhập khẩu chính hãng xe Huyndai, nói: “Chưa có dấu hiệu gì rõ ràng cho thấy thị trường ô tô đã qua cơm ảm đạm. Tháng 7 vừa rồi Huyndai Thành Công có áp dụng một số chương trình khuyến mãi như tặng phiếu xăng, tăng năm bảo hiểm, hỗ trợ bảo hiểm thân vỏ cho khách hàng mua xe, nhưng doanh số bán hàng vẫn không như kỳ vọng. Thị trường ảm đạm kéo dài và nghiêm trọng đến mức ngay cả những đợt kích cầu của doanh nghiệp cũng không đem lại hiệu quả. Ngoài kích cầu, giảm giá thì chúng tôi không thể làm gì khác để kích thị trường ô tô ấm lên, bởi các chính sách thuế, phí, sự phục hồi của nền kinh tế là những yếu tố khách quan”.
Trái ngược với các số liệu sáng sủa mới đây của Tổng cục Thống kê về chỉ số tiêu thụ và tồn kho của ngành công nghiệp ô tô, cũng như sự lạc quan của VAMA, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô cho rằng, thị trường chưa thể thoát khỏi cơn bĩ cực trong năm nay.
Số liệu mới đây nhất từ Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số tiêu thụ của ngành công nghiệp sản xuất xe có động cơ nửa đầu năm 2012 đã tăng đến 70,3%. Trong khi đó, chỉ số tồn kho của ngành này tại thời điểm 1/7 cũng chỉ tăng ở mức 9,4%, thấp hơn rất nhiều so với tăng chỉ số tiêu thụ.
Đáng chú ý là trước đó một tháng, chỉ số tiêu thụ của ngành thậm chí sụt giảm 5,3% còn chỉ số tồn kho ở mức rất cao là 116,7%.
Từ các số liệu trên, một số người nhận định thị trường ô tô có lẽ đã qua thời ảm đạm và chuẩn bị bước vào chu kỳ sôi động. Nhưng thực chất thị trường ô tô có thể sớm tan băng không khi mà khó khăn vẫn còn chồng chất?
Hiện, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vẫn chưa có báo cáo bán hàng tháng 7, song theo một thành viên VAMA, các hãng đã gửi con số hàng tồn kho tháng 7 cho Hiệp hội từ cách đây 1 – 2 tuần. Theo đó, một số hãng có lượng hàng tồn kho thấp hơn đáng kể, lượng xe tiêu thụ cũng tăng hơn. Tuy nhiên vị này không đưa ra nhận định lạc quan hay bi quan nào về thị trường ô tô thời gian tới.
Trước đó, trong báo cáo bán hàng tháng 6 của VAMA có ngầm ý cho thấy thị trường ô tô có cơ sở để khởi sắc hơn vào cuối năm. Cụ thể, sau khi nhận được văn bản phản hồi của Bộ Giao thông Vận tải, trong đó cho rằng sẽ chưa thể thu thêm các loại phí mới như phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân… trong vài ba năm tới, VAMA lập tức nâng dự báo tổng sản lượng xe bán ra toàn ngành trong năm nay từ mức hơn 80.000 trước đó xe lên 100.000 xe. Bởi theo VAMA, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến thị trường ôtô suy giảm trầm trọng là do tâm lý người tiêu dùng bị ảnh hưởng nặng nề từ các đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, phí bảo trì đường bộ. Và khi gánh nặng tâm lý đó được trút bỏ, khả năng thị trường hồi sinh trở lại là hoàn toàn có cơ sở.
Thế nhưng, trái ngược với sự lạc quan của VAMA, đa số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô đều cho hay chưa nhìn thấy lối thoát nào cho thị trường ít nhất từ nay đến cuối năm.
Các DN ô tô cho rằng, thị trường chưa thể thoát khỏi cơn bĩ cực trong năm nay.
Ông Phạm Thành Tân, Phó giám đốc phụ trách kinh doanh, Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Minh Hoàng, đại lý ủy quyền của GM Việt Nam, cho hay, đúng là doanh số bán hàng trong tháng 7 của các đại lý GM có tăng rất mạnh, lượng hàng tồn kho theo đó cũng giảm nhiều. “Tại đại lý của chúng tôi, lượng xe GM bán ra trong tháng 7 lên tới 40 chiếc, trong khi tháng 6 chỉ bán được vỏn vẹn 6 chiếc. Tuy lượng xe tiêu thụ tháng này tăng gấp 6 – 7 lần nhưng thú thực, tôi vẫn chưa nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm” cho thị trường ô tô trong năm nay”, ông Tân nói.
Theo giải thích của ông Tân, sở sĩ lượng ô tô bán ra tháng 7 tăng cao là do chương trình khuyến mãi lớn chưa từng thấy của hãng áp dụng trong tháng 7 vừa qua. Cụ thể, từ ngày 9/7, nhân dịp 1 năm General Motors Việt Nam đổi tên từ Vidamco, hãng tung ra chương trình khuyến mãi lớn nhất, tặng khách hàng lên tới 120 triệu đồng khi mua các dòng xe Chevrolet Spark mới, Chevrolet Spark Lite, Chevrolet Aveo, Chevrolet Lacetti, Chevrolet Cruze, Chevrolet Orlando, Chevrolet Vivant và Chevrolet Captiva, áp dụng tới 31/7. Số tiền tặng trên bao gồm việc hỗ trợ phí trước bạ và tiền chiết khấu bổ sung cho xe sản xuất năm 2011. Đây là một ưu đãi rất lớn cho khách hàng, bởi giá trị các dòng xe trên chỉ dao động từ gần 600 tới hơn 800 triệu đồng/chiếc trong khi giảm giá lên tới 120 triệu đồng. Bên cạnh đó, khách hàng còn được hưởng chương trình “Chevrolet chăm sóc đặc biệt” của hãng như được bảo trì ắc quy miễn phí trong vòng 1 năm đầu hoặc 20.000 km đầu tiên tùy điều kiện nào đến trước… “Một món hàng đắt tiền bán thì không ai mua nhưng nếu giảm giá mạnh hoặc đem cho thì ai cũng giành lấy là điều tất nhiên thôi. Sang tháng 8 này, chương trình khuyến mãi trên hết hiệu lực, lượng xe tiêu thụ theo tôi sẽ giảm đi nhiều. Bởi kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, những người có nhu cầu mua xe trong năm nay thì đã cố mua trong tháng 7 vừa qua để hưởng giá rẻ. Vì vậy, tôi không nghĩ rằng thị trường ô tô sẽ bước vào chu kỳ sôi động sớm thế. Có chăng cũng phải qua năm 2012 mới có thể nói được”, ông Tân nhận định.
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng trường phòng Toyota Việt Nam cho rằng, tháng 8 và 9 tới thị trường ô tô không những không sôi động lên mà còn èo uột hơn, vì rơi vào tháng 7 âm lịch, đa số người dân kiêng mua xe. Ngay cả tháng 7 vừa qua, khi một số hãng xe cho biết lượng tiêu thụ có tăng hơn thì tại Toyota, theo ông Tuấn, doanh số bán hàng trong tháng vẫn như tháng trước, tồn kho vẫn cao. Kế hoạch sản xuất của Toyota từ nay đến cuối năm cũng khá cầm chừng, dựa vào nhu cầu của khách tới đâu mới sản xuất tới đó.
Trước đó, Toyota toàn cầu đã công bố con số 200 triệu xe thương mại được bán ra trên toàn thế giới tính đến ngày 30/6. Theo đánh giá của hãng này, đây là “một con số đáng kinh ngạc và là điều mơ ước của bất cứ ông lớn nào trong ngành công nghiệp ôtô thế giới, kể cả Volkswagen hay General Motors”. Thế nhưng tại Việt Nam, Toyota từ đầu năm nay đã mất “ngôi vương”, nhường chỗ cho doanh nghiệp ôtô Trường Hải. Song, cả Toyota và Trường Hải đều rơi vào tình trạng lượng xe bán ra tháng sau thấp hơn tháng trước.
Cũng theo ông Sơn, thực tế hàng tồn kho ở một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô có giảm, song nguyên nhân lại không phải do bán được hàng, mà là do gần đây nhiều hãng xe phải liên tục cho ngừng dây chuyền sản xuất cục bộ dẫn tới lượng xe xuất xưởng giảm. Tình cảnh chung của các doanh nghiệp ô tô Việt Nam hiện nay là giảm sản lượng lắp ráp, cắt giảm nhân công, dãn thời gian làm việc và thậm chí là thuê thêm mặt bằng để chứa ô tô ế. Nhiều doanh nghiệp cũng hạn chế nhập khẩu xe, trừ khi có khách đặt trước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét